Thứ Ba, 11 tháng 8, 2015

Bé lười ăn do thiếu kẽm

Theo PGS.Lê Danh Tuyên - Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, có đến 40% trẻ em Việt Nam là thiếu kẽm, dẫn đến nhiều triệu chứng chứng biếng ăn, chậm phát triển chiều cao.

PGS.Lê Danh Tuyên cho biết, cứ 100 trẻ 1-2 tuổi đến khám và tư vấn dinh dưỡng, thì có 60 bé mắc chứng biếng ăn. Trong đó, thiếu hụt vi chất kẽm là một trong những nguyên nhân quan trọng gây nên tình trạng này. Tỷ lệ trẻ em Việt Nam thiếu kẽm khá cao, 25- 40% tùy địa phương và nhóm tuổi. Đây cũng là yếu tố khiến trẻ thấp còi so với lứa tuổi, với chiều cao trung bình nữ chỉ đạt 154cm, nam đạt 164cm, thua 8cm so với Nhật Bản, 10cm so với Hàn Quốc và thấp nhất châu Á.

Kẽm là vi chất dinh dưỡng quan trọng, tham gia vào thành phần của hơn 300 enzym và quá trình nhân đôi AND, tổng hợp protein của cơ thể, giúp thúc đẩy tế bào phân chia và tăng trưởng. Kẽm cũng tham gia vào quá trình sinh tổng hợp và điều hòa chức năng các hormone tăng trưởng như GH (Growth hormone) và IGF-I. Ngoài ra, vi chất này còn giúp duy trì chuyển hóa cho các tế bào vị giác và khứu giác. Thiếu kẽm, trẻ không chỉ rối loạn vị giác gây biếng ăn, mà còn chậm phát triển chiều cao và cân nặng, chậm dậy thì...



Đối với miễn dịch, kẽm còn giúp hệ thống duy trì hoạt động hiệu quả, bảo vệ cơ thể trước bệnh tật, làm vết thương mau lành. Thiếu kẽm làm tổn thương chức năng đề kháng, dễ mắc bệnh nhiễm khuẩn, từ đó tăng nguy cơ suy dinh dưỡng và tử vong. WHO ước tính, mỗi năm có hơn 450.000 trẻ dưới 5 tuổi tử vong do thiếu kẽm, chiếm 4,4% số trường hợp trẻ tử vong trên toàn cầu, chủ yếu ở châu Phi, Địa Trung Hải và Đông Nam Á.

Bổ sung đủ kẽm giúp cải thiện đáng kể tình trạng biếng ăn và khả năng tăng trưởng của trẻ. Tùy theo từng độ tuổi mà nhu cầu kẽm khác nhau. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trẻ dưới 12 tháng tuổi cần khoảng 5mg kẽm mỗi ngày và tăng gấp đôi khi được 1-10 tuổi. Đặc biệt, kẽm không dự trữ trong cơ thể, có đời sống sinh học ngắn (12,5 ngày) trong các cơ quan nội tạng, nên dễ bị thiếu nếu không cung cấp đầy đủ qua chế độ ăn. Vì vậy, khẩu phần của trẻ nên bổ sung những thực phẩm giàu kẽm như lúa mì, yến mạch, tôm đồng, lươn, hàu, sò, gan lợn, sữa, thịt bò, lòng đỏ trứng, cá, đậu nành, giá đỗ, các hạt có dầu (hạnh nhân, hạt điều, lạc...). Với trẻ nhũ nhi, nên cố gắng cho bú mẹ vì kẽm trong sữa mẹ dễ hấp thu.

Cha mẹ có thể nhận biết trẻ thiếu kẽm nếu thấy bé chậm phát triển hoặc ăn không ngon miệng, tiêu chảy, rụng tóc, viêm da, móng tay có đốm, rối loạn giấc ngủ hoặc dễ nhiễm cúm do suy giảm miễn dịch... Nếu bé xuất hiện những dấu hiệu này, mẹ nên đưa đi thăm khám để đo nồng độ kẽm huyết thanh và tìm nguyên nhân. Tránh để tình trạng kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình phát triển thể chất, tinh thần và trí tuệ của trẻ.
Bên cạnh đó, nếu bị chẩn đoán là thiếu hụt kẽm, trẻ có thể nên bổ sung kẽm đường uống, song cũng cần tham khảo ý kiến của bác sĩ về liều lượng phù hợp. Tự ý uống quá nhiều cũng có thể gây ngộ độc kẽm, buồn nôn, ói mửa, nhức đầu, đau bụng cho trẻ nhỏ.

Xem thêm:



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét